Việt – Trung đang xây dựng những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển PDF. In Email
Biển - Đảo Việt Nam
Thứ sáu, 13 Tháng 5 2011 02:30

Bên lề Hội nghị Tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ông Hồ Xuân Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi xung quanh vấn đề Biển Đông.

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Ảnh: H.Giang

 

Giải quyết từng bước, từ dễ đến khó

- Trung Quốc ngày 10-5 đã lên tiếng phản đối Việt Nam tiến hành các hoạt động bầu cử trên Quần đảo Trường Sa, cho rằng đây là hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đề nghị  Thứ trưởng cho biết  quan điểm của Việt Nam về vấn đề này?

- Quan điểm của Việt Nam về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý thực tiễn để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ xa xưa Việt Nam đã có quyền chủ quyền hoàn toàn ở hai quần đảo này. Chúng ta cũng có quyền và thực hiện quyền chủ quyền ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy ở Biển Đông có những tranh chấp phức tạp. Ví dụ như hiện nay Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và coi đó là khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc đã xử lý xong tranh chấp ở Vịnh Bắc Bộ, nhưng ngoài cửa Vịnh vẫn còn khu vực chồng lấn chưa giải quyết được.

Trường Sa là khu vực tranh chấp phức tạp hơn, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Đối với các khu vực tranh chấp nói trên, Việt Nam chủ trương giải quyết thông qua đối thoại hòa bình dựa trên cơ sở  luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong khi tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề tranh chấp thì phải duy trì được hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng một trong các biện pháp tốt nhất là thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong đó  quy định rõ, các bên không được làm phức tạp thêm tình hình như đóng chiếm các đảo mới, đe dọa sử dụng vũ lực.

Sau khi giải quyết vấn đề biên giới trên bộ, Việt Nam đang thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề trên biển. Hai bên thỏa thuận cùng nhau xây dựng những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển. Khi có những nguyên tắc chỉ đạo này thì có thể mở ra diễn đàn để giải quyết tranh chấp. Theo tôi, với phương pháp bắt đầu từ dễ đến khó thì trước hết có thể giải quyết vấn đề phân định khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ.

- Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển?

- Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán 5 vòng để tiến tới ký kết một thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển. Dự kiến vòng 6 sẽ họp ở Bắc Kinh vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển là những nguyên tắc cơ bản nhất đã được luật pháp và cộng đồng quốc tế công nhận, cũng như phù hợp với những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ví dụ như:  phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC;  không để các vấn đề tranh chấp này ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tình hữu nghị giữa hai nước.

Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề phức tạp, giải quyết đòi hỏi thời gian dài. Như biên giới trên bộ Việt - Trung mất hơn 30 năm mới giải quyết được thì vấn đề trên biển còn phức tạp hơn, không thể trông chờ một thời gian ngắn là giải quyết được. Trong quá trình đàm phán chúng ta sẽ giải quyết từng bước với nguyên tắc từ dễ đến khó.

Trong khi chờ đợi giải pháp cơ bản, lâu dài thì cũng có thể tính đến hợp tác cùng phát triển. Ví dụ như khu vực nào chưa giải quyết được nhưng có thể hợp tác vì  lợi ích chung thì chúng ta cũng có thể triển khai hợp tác. Tất nhiên, khu vực đó phải là khu vực tranh chấp thực sự, được hai bên thừa nhận. Chúng ta  không chấp nhận hợp tác cùng phát triển ở các khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc  hợp tác cũng dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi, không ảnh hưởng tới yêu sách chủ quyền của mỗi bên.

Duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông là lợi ích chung

- Thưa Thứ trưởng, các nước ASEAN có dư luận như thế nào về đàm phán song phương Việt - Trung?

- Trong vấn đề Biển Đông có những vấn đề thuộc song phương và có những vấn đề thuộc đa phương. Vấn đề cửa Vịnh Bắc Bộ và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa rõ ràng là các vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng vấn đề Trường Sa còn liên quan tới một số nước khác trong ASEAN. Nếu chỉ giải quyết song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc  thì không phải là giải pháp cơ bản lâu dài. Việt Nam đã thông báo với các đồng chí Trung Quốc  và các bạn ASEAN là vấn đề này cần cùng nhau giải quyết và có ý kiến đồng thuận chung.  Vấn đề Trường Sa nhất thiết phải có trao đổi giữa các bên liên quan trực tiếp.

Nhưng trước mắt là phải giữ được hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Thực tế, đây cũng là một vấn đề liên quan đến nhiều bên.  Không chỉ là các nước liên quan ven Biển Đông mà các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Mỹ cũng quan tâm vì họ có lợi ích ở đây, nhất là về an toàn hàng hải. Duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông không phải vấn đề của Việt Nam với một nước nào đó, mà là lợi ích chung của tất cả các bên.

- Hội nghị cấp cao  ASEAN 18 đã nhất trí tiến hành xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào năm 2012. Hiện đã có lộ trình thực hiện việc này chưa, thưa Thứ trưởng?

- Trung Quốc và ASEAN đã ký DOC  từ năm 2002. Đến nay các bên đều khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc DOC, và từ DOC sẽ thúc đẩy để tiến tới COC, một văn bản có cơ sở pháp lý cao hơn.

Các nước ASEAN đã thống nhất có thể đạt được thỏa thuận về COC vào năm 2012. Tuy nhiên đó là nhất trí cao trong ASEAN nhưng để có được COC thì Trung Quốc cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ riêng ASEAN không thể tiến tới COC được. Điều sắp tới là phải thúc đẩy Trung Quốc cùng tham gia, cũng như tiếp tục hợp tác thực hiện giải quyết nốt những bất đồng liên quan tới DOC như quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.

- Vấn đề biên giới lãnh thổ là mối quan tâm chính đáng của nhân dân. Từ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc,  có thể rút ra kinh nghiệm gì trong việc thông tin đến nhân dân, thưa Thứ trưởng?

- Tôi nghĩ sự đồng thuận, sự ủng hộ cao trong dư luận là điều rất cần thiết cho công tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ. Hiện nay với vấn đề Biển Đông, chúng ta cần tuyên truyền cho tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được chủ quyền của Việt Nam, lập trường, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trên vấn đề Biển Đông, cùng nhau bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Theo qdnd.vn


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 10 khách Trực tuyến