Một thời vác đá xây Trường Sa - Kỳ 2: Thử thách đại dương PDF. In Email
Biển - Đảo Việt Nam
Thứ hai, 18 Tháng 7 2011 03:59
Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, nguyên tư lệnh Binh chủng công binh, vẫn nhớ như in những ngày bắt đầu công tác tại Trường Sa: “Thời ấy đảo chưa trồng rau được, cán bộ chiến sĩ quanh năm ăn đồ hộp nên hầu hết bị bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh kiết. 
 
Công binh tập kết đá xây nhà cấp 1 trên đảo Len Đao, tháng 5-1989 - Ảnh do Bảo tàng Hải quân cung cấp

Lúc mới ra tôi có mang theo ít măng khô, rau củ. Nhìn anh em nào yếu, tối tôi phải gọi riêng vào phòng cho củ su hào. Có khi chỉ một cọng rau không còn lá nhưng lính quý, chảy nước mắt...”.

“Xây Loa thành trên biển”

Không chỉ lo sóng lớn, bão bùng, những ngày đẹp trời ở Trường Sa cũng là thử thách với những người xây đảo. “Nắng ở đảo chói chang, nên có một lần ra đảo, kỷ lục bốn lần tôi bị thay da” - đại tá Vũ Tiến Quỳnh, hiện là chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân M31, kể.

Do nắng rát, lại liên tục ngụp lặn, nhiều chiến sĩ đã tính vui thâm niên bằng những lần bong tróc, thay da. “Có khi da mới thay còn đang đỏ, sau một ngày làm lại bong ra thay lớp mới” - ông Quỳnh nói.

Thời tiết Trường Sa khắc nghiệt, những ngày làm đảo Đá Lớn, ông Kiền lần đầu tiên đưa xuồng máy ra chuyển tải, kéo thuyền vật liệu để bớt sức công binh. Nhưng cũng chỉ được một tháng là các máy đẩy lần lượt hỏng hệ thống điện, phải dừng lại. Chỉ còn một chiếc, chiến sĩ phải “áp đặt chế độ nghỉ dưỡng đặc biệt cho máy”, chỉ dùng khi cần cấp cứu, tình huống khẩn cấp. Nhưng người lính thì vẫn phải làm. Thủy triều xuống là tất cả lại lao ra công trường, bất kể ngày đêm.

Anh Nguyễn Văn Thống, nguyên tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn thuộc đơn vị công binh Hải quân T3, nhớ mãi những ngày hè xây đảo. Rồi mưa dông kéo đổ giàn giáo, tường vữa nhưng người chiến sĩ cứ làm và cuối cùng những ngôi nhà trên sóng dần hiện ra. “Chúng tôi như những người xây Loa thành trên biển” - anh Thống tự hào kể.

Phút giây sống chết

Ngày 25-3-1990, tàu HQ 617 đưa một đại đội ra đảo Đá Lớn đào nền san hô cứng để tiếp tục mở luồng dài gần 1km vào một âu thuyền trú bão cho ngư dân. Tàu phải đậu ở xa, tránh va phải đá ngầm. Nếu đóng quân trên tàu, mỗi buổi thời gian đi về mất cả tiếng. Bộ đội quyết định “đóng quân” trên hai bãi nổi chỉ cỡ vài chục mét vuông.

“Doanh trại” của chiến sĩ bên trên chỉ có một tấm bạt, dưới chằng đủ nồi niêu, xoong, chảo. Khi thủy triều lên nó “phập phù trên mặt nước”, khi gió mạnh thì sóng tràn qua.

 

Phải tiếp tục “thần tốc”

Những ngày này đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, đã nghỉ hưu tại thành phố Đà Nẵng - ngày nào cũng chạy ra phố mua một tờ báo Tuổi Trẻ, dõi theo chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông nói: “Hồi năm 1988, cả nước phát động phong trào vì Trường Sa, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho sáu tỉnh thành gồm: Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Vũng Tàu - Côn Đảo, TP.HCM, Phú Khánh, mỗi địa phương làm một nhà kiên cố cho một đảo. Những con tàu mang tên Quy Nhơn, Sông Côn, Ba Tơ... đã chở hàng trăm công nhân cưỡi sóng ra sát cánh cùng bộ đội “tôn nền Tổ quốc”. Nay ta cần mở rộng, vươn lên vững chãi hơn về phòng thủ nên việc xây “Loa thành trên biển” rất cần phải làm theo cách thần tốc mà công binh hải quân từng làm... “.

“Chiến đấu” với nắng gió được hơn một tuần thì xảy ra sự cố. Ông Hoàng Kiền vẫn nhớ như in đó là đêm 4-4-1990, khoảng 1g sáng, đang ngủ thì bỗng dông ầm ầm ập tới. Chiến sĩ gác vừa hô báo động thì gió đã thổi, sóng vỗ ào ào. Cả đơn vị giật mình. Không kịp buộc vật dụng sinh hoạt, tất cả từ sĩ quan đến chiến sĩ đứng dàn thành vòng tròn ôm chặt lấy nhau.

Gió càng lúc càng to, sóng trùm cả lên đầu. Cứ sóng ập vào là cả chục người lại bị bốc lên cao cỡ hơn 1m rồi ném xuống. Chỉ một người lỏng tay là cả nhóm bị cuốn ra biển. Lúc đó, đã có những người hét lên để át tiếng gió, dặn dò nhau ai sống thì về quê nhắn hộ mấy lời cho con... Có thể họ đang đối diện với những giờ phút cuối cùng.

Nhưng những cánh tay, bàn chân bám trụ của người lính đã chiến thắng. Dông qua đi, không ai ngủ tiếp. Nhiều người hát như vừa được sống lại dù biết cuộc sống sắp tới sẽ gian khó hơn do nồi, niêu, vật dụng cá nhân... đã bị trôi gần hết.

Sáng, cả đơn vị họp và quyết tâm... trụ lại ở bãi nổi thay vì rút lên tàu. Hai kỹ sư công trình Hoàng Đình Đạm và Võ Hồng Khanh được dịp trổ tài. Ông Hoàng Kiền quyết định tạm dừng thi công một ngày, tất cả đi vác đá, làm công sự chống sóng.

Bất thường nắng gió Trường Sa được đại tá Vũ Tiến Quỳnh kể lại: “Trời, nước ở Trường Sa rất lạ, bình thường thì biển lặng, đẹp như gương. Nhưng chỉ ầm ào vài phút là mây đen từ đâu kéo đến vây chặt lấy người. Gió có thể bốc người ra xa. Sóng lừng lững cả chục mét ập xuống”.

Bão ở trên đất liền đã kinh khủng, bão giữa biển còn ghê gớm hơn. Nhiều đợt thi công, bộ đội công binh M31 phải đóng quân trên những pôngtông - một dạng phao nổi, có bạt ở trên, được neo bốn góc xuống đảo chìm, lúc nào cũng phập phềnh trên nước. Các chiến sĩ đơn vị M31 trên pôngtông vẫn còn nhớ trận bão năm 1994, dù trên phao nhưng có lúc pôngtông cuộn lại như hình tròn, rồi như một trái bóng bị ném văng theo ngọn sóng.

Trận bão năm 1994, một pôngtông của công binh M31 bị cuốn phăng ra biển. Những người ở lại tưởng đã phải vĩnh biệt đồng đội, nhưng cuối cùng pôngtông được một tàu cứu sống.

Những vụ nổ nhớ đời

Ông Hoàng Kiền còn nhớ vụ nổ mìn tạo luồng ở đảo Đá Lớn. Ông và cán bộ phải trực tiếp chứng kiến nổ. Lợi dụng tảng đá lớn án ngữ, công binh dùng đá, gỗ tạo một công sự vững chắc, có lỗ châu mai nhìn ra ngoài, cách điểm nổ 200m.

“Lúc mới nổ mặt đất rung lên, tôi nhìn thấy cả một con kênh vừa được tạo, nước dạt ra, để lộ đáy cát trắng tinh trông tuyệt đẹp”. Quả nổ đó dù rải theo chiều dài luồng cần mở nhưng cũng rất mạnh. Ngay lập tức nước và sóng xung kích tràn đến.

Đất đá không phá được công sự nhưng nước thì tràn vào và khói thuốc nổ mịt mù. Không thở được, trời đất đen kịt. Ông Hoàng Kiền tưởng chết nhưng điều lạ kỳ chính ông cũng không hiểu sao mình vẫn sống. Ông quay lại nhìn những người lính đứng đằng xa, mặt ai cũng nhem nhuốc khói.

Một lần nữa trong năm 1990, sự kiện thoát chết với người lính công binh T3 có lẽ rất khó quên là quả nổ cuối cùng thông luồng vào Đá Lớn. Tàu vận tải đã vào bờ, chỉ có hai tàu LTU bảo vệ ứng trực. Bằng linh cảm lạ, chỉ huy tàu gặp lãnh đạo công binh đề nghị “phải tạo luồng nhanh thôi, không bão đến thì đắm tàu”. Ông Hoàng Kiền đồng ý với đề nghị khi có bão phải cho lính ông lên tàu. Rồi ông Kiền quyết định thực hiện quả nổ.

Tướng Kiền cho rằng: “Đó là một vụ nổ mang tính quyết định. Phải sơ tán bộ đội trong phạm vi 5km. Luồng vừa thông, tàu vừa vào hồ thì hôm sau bão dữ ập đến. Không làm nhanh có lẽ không chiến sĩ công binh nào sống sót với trận bão”.

Theo Tuoitre


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 3 khách Trực tuyến